Không có chỗ ôn thi tốt nghiệp THPT
Nhắc lại thời điểm căn nhà sau bị sạt lở trôi xuống lòng sông Cà Mau - Bạc Liêu, chị Nguyễn Thị Trúc Hiền (ngụ phường 5, TP. Bạc Liêu) chưa hết bàng hoàng: “Lúc đó khoảng 1h khuya 22/6 là thời điểm nước ròng. Tôi đang ngủ, bỗng giật mình vì tiếng rắc rắc rất lớn phía sau nhà, chạy ra xem thì thấy phần đất phía bờ sông tuột xuống. Vợ chồng tôi quýnh quáng ôm 2 đứa con chạy ra đường”.
Nhìn hơn nửa căn nhà bị trôi xuống sông, bà Phan Thị Thu Nguyệt (cặp vách nhà bà Hiền) không khỏi tiếc của. Theo bà, cả gia đình sống ven sông Cà Mau - Bạc Liêu đã mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy sạt lở nặng nề như năm nay. Hiện, nhiều vết nứt mới tiếp tục xuất hiện ăn sâu trong nhà bà. Chính quyền địa phương vận động gia đình không ngủ lại vào ban đêm để tránh nguy hiểm.
Bà Nguyệt kể lại thời điểm căn nhà bị sạt lở trôi xuống lòng sông.
Bà Nguyệt cho biết, mấy bữa trước, bà đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng răng rắc, chạy ra phía sau kiểm tra thì nửa căn nhà đã bị tuột dần xuống sông, khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Vợ chồng bà phải đi thuê trọ nhà hàng xóm; còn mấy người con dâu, cháu nội phải vô trường gần nhà ở tạm. Đứa cháu ngoại phải về bên nội sinh sống.
“Nhà có 9 người, trong đó có 4 đứa đang đi học. Khi chạy, tôi lôi mấy đứa cháu nhỏ chạy trước. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, giờ ngủ vẫn giật mình kêu... chạy, chạy. Hai vợ chồng tôi sống ở đây mấy chục năm nay, chưa thấy sạt lở gì như bây giờ”, bà Nguyệt nói.
Nhà của ông Thắng bị tuột xuống sông.
Cùng chung cảnh ngộ với bà Nguyệt, chị Hiền, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay, người dân ở đây có báo trước công ty nạo vét là con sông nạo vét chưa được, nhưng họ vẫn làm. Chỉ sau 3 ngày nạo vét, nhiều căn nhà ven sông có dấu hiệu nứt tường, rồi sau đó sạt lở luôn một phần căn nhà xuống sông.
“Con gái tôi đang thi tốt nghiệp THPT không có chỗ để ôn thi, phải đi thuê phòng bên ngoài”, ông Thắng nói và mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão.
Lập chốt trực 24/24 tại khu vực sạt lở
Ngay khi nhận được tin xảy ra sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến hiện trường hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo sạt lở, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, bố trí lực lượng lập chốt trực 24/24 tại khu vực sạt lở để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Ngành chức năng địa phương cắm biển cảnh báo sạt lở.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tại bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu bên trục đường Lê Thị Hồng Gấm (phường 5, TP. Bạc Liêu) đã xảy ra sạt lở bờ sông. Tính đến chiều tối 23/6, có 39 căn nhà bị ảnh hưởng trong phạm vi chiều dài sạt lở 800 mét (thêm 5 căn nhà bị sạt so với ngày 22/6).
Qua thống kê, rà soát, 10 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng nặng phải di dời đến nơi an toàn, 29 hộ dân còn lại theo dõi tình hình, nếu tình hình phức tạp hơn sẽ tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi khác an toàn.
Khảo sát và kiểm tra hiện trường, bước đầu ngành chức năng nhận định, đoạn bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu sạt lở do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đang thi công nạo vét sông do Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty CP Giao thông Sài Gòn 99 làm nhà thầu thi công. Thời điểm xảy ra sạt lở là thời kỳ triều thấp, mực nước trên sông giảm, tải trọng trên bờ tăng đã gây ra sạt lở.
Đoạn sông Cà Mau - Bạc Liêu bị sạt lở do nạo vét.
Tại cuộc họp khẩn phòng chống lụt bão mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều cho rằng, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, khó dự báo, nhất là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng.
Để chủ động phòng, chống, hạn chế tối đa thiệt hại, các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân sống ven sông, ven kênh rạch chủ động phòng tránh; đặc biệt, không lấn chiếm lòng sông để xây dựng các công trình, nhà ở… kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này.
Tân Lộc